Tro tàn của Angela(NXB Phụ nữ Việt Nam,àncủaAngelaHồiứcđặcbiệtcủamộtnhàgiáyola Nguyễn Bích Lan và Hoàng Nguyên chuyển ngữ) là cuốn hồi ký về cuộc đời Frank McCourt ở tuổi ấu thơ, đã đoạt giải thưởng Pulitzer danh giá vào năm 1999.
Viết về quãng đời từ khi tác giả lên 4 đến khoảng 20 tuổi, Tro tàn Angelatheo chân nhà McCourt có nhiều biến động từ Mỹ về lại Ireland và rồi sang Anh. Bằng ký ức của mình, Frank McCourt phần nào đã tái hiện bức tranh toàn cảnh của một Ireland còn nhiều xung đột trong khoảng thập niên 50 – 60 của thế kỷ trước.
Cuốn sách đã được xuất bản lần đầu vào năm 1996 và nhanh chóng đạt được giải thưởng của Hiệp hội Phê bình sách quốc gia cùng năm. Nó sớm lọt vào các bảng xếp hạng sách bán chạy, để một năm sau trở thành tác phẩm chiến thắng giải Pulitzer. Nó cũng đã được chuyển thể thành phim điện ảnh vào năm 1999 cũng như chuyển soạn thành nhạc kịch vào năm 2017. Tại Việt Nam, tác phẩm cũng đã tái bản nhiều lần, và là cuốn sách được đông đảo độc giả yêu thích.
Người mẹ tuyệt vọng
Ireland đối với cậu bé Frankie trong cuốn sách này là vùng đất của mưa liên miên, của khói thuốc lá và của những người phụ nữ sùng đạo. Ẩn trong bầu không khí ấy là những con người đói khát, nheo nhóc, nghèo nàn cho đến tận cùng. Cha mẹ của Frank, theo đó, sớm tìm thấy nhau ở nơi nước Mỹ với một giấc mơ không bao giờ thành. Sau khi mang thai hai người em sinh đôi, cả nhà lâm vào đói nghèo, từ đó quyết định về lại Ireland với niềm mong mỏi một cuộc đời mới.
Tuy thế, ở vùng Limebrick nghèo nàn, người cha Malachy xuất thân từ phía miền Bắc càng thêm đổ đốn, bởi những mâu thuẫn về mặt địa lý cũng như tôn giáo không thể giãi bày với cư dân địa phương. Liên tục chuyển nhà từ phía đằng nội sang về đằng ngoại, những cơn say xỉn cũng như thiếu trách nhiệm của ông ngày càng khiến cho gia đình thêm phần khó khăn. Mắc kẹt với 4 đứa con, mẹ Frank – bà Angela ngày càng kiệt sức cũng như vô vọng vì cái chết của từng đứa con một. Họ sống trong thiếu thốn và đói khát, khi phải mót than, mua chịu cũng như sống nhờ vào khoản trợ cấp ở các trại cứu tế tôn giáo, chịu đựng những sự sỉ nhục…
Vì thế khi từng đứa trẻ chết đi do bệnh viêm phổi và thiếu dinh dưỡng, thì Angela chỉ còn có thể ngồi đó, hút thuốc, uống trà và khóc. Frank viết trong những câu văn, rằng bà “nằm dài quay mặt vào tường […] và nhìn vào đống tro tàn như cách chạy trốn sự thật”. Như tiêu đề của cuốn sách này, Frank McCourt dùng tên mẹ mình như một phụ nữ vô cùng can trường đã chịu đựng và lèo lái gia đình. Thế nhưng khi đặt cạnh “tro tàn”, ông cũng ít nhiều cho thấy những sự tuyệt vọng cũng như buông xuôi mà bà phải chịu.
Cũng đặt trong bối cảnh Ireland, thế nhưng khác xa Agnes trong cuốn Shuggie Bain của Douglas Stuart, người mẹ của Frank đã không buông xuôi mình theo với rượu chè. Angela cố gắng làm hết mọi thứ mà mình có thể, để nuôi sống những đứa con thơ, mặc cho những sự sỉ nhục mà bà phải chịu. Bà cứ hy vọng và rồi tuyệt vọng về những lời hứa gửi tiền của chồng mình. Bà cũng không thể đi làm khi đang vướng phải một bầy con thơ. Trong tình cảnh ấy, Angela dường như không còn có thể làm điều gì khác ngoại trừ chờ đợi.
Dễ thấy rằng Frank McCourt khắc họa những chi tiết này một cách chân thật, không chứa quá nhiều đánh giá hay là phán xét của ngày hiện tại, mà là xuôi theo ký ức mình đã trải qua. Điều này mang đến cách nhìn trong sáng, thuần khiết, tuy cả nhà ông rơi vào đói nghèo, nhưng ông nhìn nó như một thách thức để mình vượt qua hơn là cầu xin những sự thương hại.
Đến tuổi trưởng thành
Khi cha sang Anh làm việc để cố nuôi sống gia đình rồi không trở lại, Frank lớn lên và rồi trở thành trụ cột gia đình. Những ngày tháng ấy trôi qua không hề dễ dàng. Rời xa những trò “trẻ ranh” như hái trộm táo hay trốn xem phim… giờ đây trách nhiệm đè nặng lên hai vai cậu. Trong khoảng thời gian Angela bị viêm phổi, Frank đã tìm cách lấy trộm nước chanh cũng như bánh mì ở trước cửa nhà của các gia đình giàu có để đem về cho mẹ và các em trai. Cậu nói rằng hành động đó chỉ là mình “mượn” và rồi sau này sẽ “trả lại”.
Cậu cũng trải qua các nghề khác nhau, từ đi đọc sách cho ông Timoney để kiếm một vài shilling, cho đến chở than cùng ông Honnon, viết thư đe dọa gửi đến “con nợ” cho bà Finucane, vào làm bưu tá ở một thư viện địa phương… Mong muốn khác với cha mình khi sẽ trở thành một người đàn ông của gia đình, nhưng Frank không bao giờ có thể quay lưng lại với ông. Theo Frank, bố cậu như chứa đồng thời cả 3 nhân dạng: một người hay kể những chuyện thần tiên, một người say xỉn vào những đêm khuya và người không bao giờ về nhà.
Người ta thường nói có hai phương pháp để viết hồi ký, một là đau đớn ngậm ngùi, và hai là nở nụ cười theo kiểu bàng bạc. Với cuốn sách này, Frank McCourt bằng sự hài hước vốn là đặc trưng, đã viết nên những dòng văn đầy đau đớn nhưng cũng hóm hỉnh và đầy vui tươi trong những ký ức kể lại. Điều đó ít nhiều thấy được trong quá trình lớn lên của Frank.
Ông viết về những thiên thần mang đến đứa trẻ ở bậc thang thứ 7, ông nhớ về cậu em kế Malachy miệng rộng đầy lanh lẹ, ông cũng viết về quãng đời trưởng thành với những trò chơi “mới lớn” có phần ngốc nghếch… Ngoài ra cũng còn là những chi tiết có phần tréo ngoe. Như thể mặc cho gia đình không hề đủ ăn, thế nhưng Angela vẫn mang những người đàn bà nghèo khó và vô gia cư về nhà để chia phần ăn ít ỏi cho họ. Trong khi cậu em Michael thì luôn thường trực mang về những ông lão già và các con chó… Những điều nói trên càng khẳng định thêm dù cho khó khăn, nhưng con người ta luôn biết chia sẻ dù cho bản thân sẽ không còn gì trong tay.
Với Tro tàn của Angela, ký ức của Frank McCourt giờ đây nhẹ nhõm và được kể lại bằng sự hồn nhiên cũng như tình yêu, tình thương vô hạn. Cuốn sách, vì thế, không bi lụy mà lại chứa đầy khoảnh khắc hồn nhiên, vui tươi, hạnh phúc… giữa người với người. Một cuốn hồi ký dễ làm ta khóc và rồi lại mỉm cười biết ơn khi ta trân trọng từng giây phút này.